Kinh nghiệm mở homestay đà lạt! Cho ai “MƠ” Làm Giàu!

Chào các bạn.
Lại là Tuấn Đà Lạt đây mọi người. Trong những series chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp làm giàu trước tôi đã để cập tới câu chuyện mở Homestay ở Đà Lạt.
Ngoài những công việc như : Mở studio chụp ảnh cưới ở Đà Lạt, Tiệm làm đẹp, trồng hoa công nghệ cao, Cho thuê xe máy, oto du lịch tham quan ở Đà Lạt …..thì Mở Homestay ở Đà Lạt để kinh doanh cũng là một trong những việc có thể giúp bạn kiếm ra tiền hoặc cũng có thể làm giàu.
Các bạn có thể xem lại các cách lập nghiệp ở Đà Lạt : tại đây
Nhiều homestay phải giao bán, nhiều home phải sang nhượng lại gấp chỉ sau 1-2-3 tháng kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ là gì? Cách khắc phục thua lỗ như thế nào? Tất cả sẽ được tôi giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong bài viết này một cách chi tiết nhất.
Bài viết chia sẻ sẽ được tôi bóc tách ra thành nhiều phần, cố gắng tham khảo từng phần cần thận bởi phần nào cũng rất quan trọng cho việc bạn mở hay kinh doanh homestay ở Đà Lạt có thành công được hay không!.
HOMESTAY CÓ NGHĨA LÀ GÌ?
Tóm tắt: Homestay là một từ phổ biến hiện nay, vậy Homestay chính xác là gì? Đó có phải là môi trường sống để du khách trải nghiệm cuộc sống nông thôn? Hay đó là ngôi nhà để người nông dân sinh sống và sản xuất? Hay một khách sạn cổ điển ẩn trong thành phố?
Homestay được đặc trưng bởi cá tính rực rỡ, đặc điểm văn hóa rõ ràng, đặc điểm dân sự nổi bật và hương vị “hoài cổ” mạnh mẽ. Homestay là nơi lưu trú đề cao giá trị đánh giá, trải nghiệm và nghiên cứu.
Đấy, phải hiểu được nguồn gốc của homestay, ý nghĩa sâu xa của nó bạn mới xác định được hướng đi, kinh doanh cho một homestay.
Xem thêm: Homestay là gì, chiến lược kinh doanh homestay.
CÓ NÊN MỞ HOMESTAY Ở ĐÀ LẠT?
Có nên hay không mở homestay ở Đà Lạt tùy thuộc vào khả năng về trình độ cũng như kiến thức của bạn về lĩnh vực này. Người có kiến thức về các mô hình kinh doanh theo chuỗi tốt họ hoàn toàn có thể sở hữu 5-10 homestay lớn nhỏ.
Đối với những người chưa có kiến thức kinh doanh, quản lý công việc, quản lý nhân sự tốt có thể dừng lại ở 1-2 homestay nho nhỏ và sau đó tích lũy kinh nghiệm từ từ.
Nên hay không nên mở homestay bạn cần xem xét 2 yếu tố chính sau đây:
Thuận lợi:
Nói đến thuận lợi để kinh doanh ở Đà Lạt phải kể đến 1 số yếu tố cấu thành nên cái tên ” Homestay” mà tôi đã nêu ở trên :
+ Đà Lạt có môi trường để du khách trải nghiệm cuộc sống nông thôn không? :
Có
Môi trường trải nghiệm môi trường sống ở Đà Lạt bao gồm những trải nghiệm sau: Trải nghiệm mô hình canh tác chăn nuôi : như nuôi ngựa, nuôi gà, nuôi bò, lợn, …., trải nghiệm canh tác hoa màu của người dân Đà Lạt như: Trồng hoa nhà kính, canh tác rau sạch, làng hoa truyền thống, vườn rau truyền thống, canh tác các loại cây ăn trái : hồng, mít, bơ, sầu riêng, mắc ca…..
Trải nghiệm các khâu sản xuất nông nghiệp như : Sấy Hồng Khô, các loại mứt, thành phẩm các loại hoa xuất khẩu, trải nghiệm nghề ươm tơ, dệt, may vá thêu thùa thủ công ở Đà Lạt vv…
+ Đà Lạt có đặc điểm cá tính rực rỡ, có đặc điểm văn hóa riêng rõ ràng không:
Có
Xưa nay con người Đà Lạt nổi tiếng với sự mến khách, đặc biệt con gái Đà Lạt thì làm sao? Ở Đà Lạt có văn hóa gì? Khi nhắc tới Đà Lạt người ta thường nhắc đến Hoa gì, loại cây trồng nào, hãy những món ăn nào thực sự nổi bật? Hãy đi sau nghiên cứu bạn sẽ tìm được một lối đi khác biệt cho homestay sắp mở của bạn.
+ Đà Lạt có khí hậu khác biệt không? :
Có
So với phần đông những tỉnh thành khác ở Việt Nam thì Đà Lạt và các vùng ven Đà Lạt nói chung có khí hậu mát mẻ, phân chia hai mùa rõ rệt….nhiệt độ trung bình 17-22 độ C là điều kiện lý tưởng để thu hút khách từ những tỉnh có nhiệt độ hơi cao hoặc có thể nói là khá oi bức như ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh.
+ Đà Lạt có hương vị “hoài cổ” không? :
Có
Những hương vị hoài ở của Đà Lạt được thể hiện ở nét kiến trúc cổ kính của những căn nhà, những ngôi biệt thự từ thời Pháp, tất cả đều mang hơi hướng của sự hoài cổ có phải không. Hồ Xuân Hương qua biết bao nhiêu thăng trầm thời gian vẫn còn đó…
Chợ Đêm gắn liền nhiều kỷ niệm của các cặp tình nhân vẫn còn đó….Những quán ăn nhỏ ven đường, những gánh hàng rong vẫn còn xuất hiện nhiều ở đây. Những món nghề may thêu của các cô gái Đà Lạt xưa vẫn còn đó.
Nói chung vẫn còn rất nhiều hương vị mang tính chất trải nghiệm hoài cổ ở Đà Lạt mà bạn có thể khai thác để đưa vào chiến lược kinh doanh của mình.
+ Giao thông Đà Lạt có thuận lợi không?
Hiện tại đã và đang có rất nhiều tuyến đường đang được tu sửa và mở rộng hơn ở trong khu vực nội thành. Bên cạnh đó việc di chuyển tới Đà Lạt từ các tỉnh thành khác cũng ngày càng trở nên dễ dàng hơn với hàng loạt tuyến quốc lộ, cao tốc đã và đang trong quá trình hoàn tất.
Khó khăn khi mở homestay ở Đà Lạt
+ Kinh tế chưa được khôi phục hoàn toàn
Khi bạn đọc được bài viết này của tôi cũng là thời gian mà Việt Nam chúng ta vừa phải trải qua một đại dịch lớn. Kinh Tế chưa được khôi phục hoàn toàn nên điều gặp phải khó khăn là không thể tránh khỏi. Như cầu mua sắm, du lịch có dấu hiệu bị tụt giảm nhiều so với thời gian trước dịch, bạn cần cân nhắc trước những khó khăn khách quan này.
+ Có quá nhiều homestay ở Đà Lạt
Có hàng trăm ngàn cơ sở, lưu trú, Homestay khác nhau ở Đà Lạt. Ngoài ra việc mở Homestay cũng phần nào cạnh tranh thị phần của ngành khách sạn, nhà nghỉ hay căn hộ nghỉ dưỡng….
+ Khó khăn tìm phong cách riêng
Có quá nhiều hình mẫu homestay được xây dựng và thiết kế với những phong cách khác nhau, không dễ dàng cho lắm để tìm ra được một phong cách riêng cho bạn trong muôn vàn homestay đã có ở Đà Lạt.
+ Lượng khách không đều, chỉ theo mùa
Như chúng ta đã biết thì ở Đà Lạt có hai mùa chính và lượng khách cũng vậy, khách tới Đà Lạt rất đông vào những dịp Lễ, Tết như 2/9/ 24/12/ 4,5,6 âm lịch, 30/4. Lượng khách đều hơn một chút vào dịp hè, những tháng còn lại hoặc những ngày còn lại khác lượng khách không nhiều….
CÁC BƯỚC MỞ HOMESTAY Ở ĐÀ LẠT.
Cần theo thứ tự từng bước sau để công việc kinh doanh homestay của bạn gặp thuận lợi và suôn sẻ ngay từ những ngày đầu mở nhé:
1. Xác định Vốn Ban đầu & Mô Hình Kinh Doanh:
Vốn ban đầu:
Để kinh doanh bất cứ loại hình nào thì vốn ban đầu cực kỳ quan trọng, nếu bạn có vốn khoảng 200 triệu thì vốn sẽ chia ra làm đôi 100 triệu để kinh doanh và 100 triệu để dự trù.
Tương tự với 500 triệu cũng vậy, bạn sẽ chi 250 triệu cho việc thuê mặt bằng, thuê nhà, thuê nhân viên, thiết kế, dọn dẹp cải sửa lại nhà, trang trí thiết kế homestay.
Đừng vội xuống liền tay một lúc, bạn cần dự trù it nhất khoảng 50% số tiền bạn có để dùng vào những tình huống xấu, để duy trì hoạt động trong những ngày, những mùa vắng khách.
Mô hình kinh doanh:
Tùy vào số vốn ban đầu bạn có có thể xác định được mô hình kinh doanh của bạn ban đầu sẽ như thế nào:
+ Vốn từ 100-200 triệu : nên kinh doanh homestay khoảng 3-5 phòng kinh doanh
+ Vốn từ 300-500 triệu : Phù hợp mô hình nhà homestay lớn hơn 1 chút, có từ 5-10 phòng lưu trú.
+ Vốn từ 600- 1 tỷ: Phù hợp kinh doanh Homestay với khoảng từ 10-20 phòng lưu trú cho khách.
Khi hoạt động đi vào ổn định và có nguồn thu rõ ràng qua 1 năm hoặc 2 năm hoạt động bạn sẽ nhân đôi mô hình đó lên là cách tốt nhất để quản lý được rủi ro. Lấy ví dụ năm đầu tiên, qua thống kê bạn thấy hoạt động hiệu quả và sinh lời của 1 căn homestay là chưa cao, bạn hãy làm thêm 1 homestay tương tự với mô hình, số vốn căn đầu tiên bạn làm.
Như vậy, qua năm thứ 2 bạn có thể không nhân đôi thu nhập nhưng ít nhất thu nhập của bạn sẽ tăng lên khoảng 60-80% so với năm đầu tiên.
2. Chọn vị trí & mặt bằng để mở homestay
Việc chọn vị trí cũng không kém phần quan trọng trong bất cứ ngành nghề này. Đối với việc kinh doanh homestay không có cứng ngắc quy định bạn bắt buộc phải chọn vị trí ở chỗ này chỗ kia…nhưng bạn phải hiểu được những đặc điểm thuận lợi, nhược điểm của từng vị trí để đặt cơ sở kinh doanh của bạn.
Tôi sẽ đưa ra 2 vị trí cơ bản nhất có thể vận hành kinh doanh homestay ở Đà Lạt.
Vị trí trung tâm, gần chợ đêm, quảng trường:
Phù hợp :
Khách hàng tầm 25-40 tuổi rất phù hợp cho những homestay gần trung tâm. Họ ưu tiên sự tiện nghi, đầy đủ và tiết kiệm thời gian.
Những khách hàng ưu tiên sự tiện lợi, gần chợ, gần các tiện ích….Lượng khách đều và đông hơn các khu vực ngoại thành có thể là gấp đôi. Sự ổn định về lượng khách là mặt lợi thế cho những homestay gần trung tâm.
Thường thì vị trí mặt bằng thuê tại các khu vực trung tâm gần chợ Đêm Đà Lạt có giá thuê khá cao, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi mở Homestay.
Yêu cầu cho mặt bằng các khu vực trung tâm : Không cần view đẹp xuất sắc nhưng vị trí nên cách chợ khoảng 500 đến 1 km đổ lại, ưu tiên những homestay có thể đi bộ ra chợ vài bước chân.
Thường thì những mặt bằng, nhà nguyên căn gần chợ 500-1000m hiếm có và nếu có giá rất cao. Người ta thường nói đắt sắt ra miếng, cũng đúng và cũng sai.
Ví dụ mặt bằng bạn thuê ngay trung tâm gần chợ là 30 triệu 1 tháng, 1 ngày bạn phải kiếm ra ít nhất 1,5 triệu mới có dư. Trung bình với mức thuê nhà 30 triệu đồng 1 tháng, bắt buộc bạn phải kín ít nhất 5 phòng/ ngày, đều như vắt chanh.
Giải quyết khó khăn:
Cần tìm vị trí đáp ưng đủ yếu tố sau bạn sẽ kinh doanh tốt với vị trí gần chợ, hay quảng trường
- Đi lại thuận tiện
- Có chỗ đậu xe ít nhất 16 chỗ.
- Đường không ngược chiều, cầu đậu đõ
- Có sân BBQ ( Việc có sân để bbq cho nhóm bạn hay gia đình vui chơi ăn uống mỗi tối là một trong những nhu cầu thiết yếu của bất cứ khách du lịch nào tới Đà Lạt).
- Ưu tiên phòng có tolet riêng ( Trong những bài viết sắp tới tôi sẽ đề cặp một số bất cập thường gặp khi kinh doanh homestay)
Vị Trí xa trung tâm:
Xa trung tâm ở đây tôi nói chung là cách chợ đêm khoảng 5-30km về các hướng.
Phù hợp:
Những khách hàng trẻ tuổi từ 17-25 tuổi, chưa sở hữu oto, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe gắn máy hoặc lên Đà Lạt bằng xe khách, đi máy bay.. Những khách hàng này bạn cần phân tích thị hiếu, sở thích của những bạn trẻ đó là thích khám phá, thích chill, thích những thiết kế lạ mắt….
Yêu cầu:
Để bù lại sự bất tiện do khoảng cách quá xa trung tâm thì những homestay ở xa dạng này bắt buộc phải có những yếu tố sau để kinh doanh gặp thuận lợi:
+ Dễ tìm đường( Hãy check map và thử tự mình tìm đường tới chỗ định thuê mặt bằng xem có thể tự tìm ra được hay không?
+ Đường không phải là quá rộng nhưng bắt buộc không phải là đường đất, mùa mua có thể dễ đi
+ Có view đẹp, không xuất sắc nhưng yêu cầu phải có độ cao nhất định, view thoáng có tầm nhìn ( Ưu tiên có hướng trực diện hoàng hôn, hoặc đón bình minh ở một nơi xa :)) )
+ Thiết kế của Homestay phải hợp trend, có kiểu cách hợp xu hướng. Tất nhiên ví dụ như một căn nhà gỗ cũ bên sườn đồi, trước khi vào hoạt động bạn cũng phải tư sửa lại sao cho nó nhìn không quá cũ nát.
+ Thay đổi không gian homestay, màu sắc hoặc bày trí 1 năm ít nhất 1 lần nếu bạn muốn níu chân khách hàng cũ hoặc thu hút thêm lượt khách hàng mới.
ĐĂNG KÝ KINH DOANH & PHÒNG CHÁY CHỨA CHÁY
Việc xác định kinh doanh nghiêm túc và lâu dài thì việc đăng ký kinh doanh và xin giấy phép phòng cháy là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho bạn. Đảm bảo sự an toàn cho bản thân và khách hàng của bạn.
Đăng ký bảo hộ thương hiệu
Đã là 4.0 nhưng nhiều bạn vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Nó giúp bạn bảo vệ được ý tưởng, thương hiệu tránh những tranh chấp, rắc rối về sau.
Nếu để ý thì hiện nay còn rất nhiều homestay chưa có thương hiệu riêng, lấy tên đặt giống hệt nhau. Bạn sẽ gặp phải bất lợi không ít thì nhiều về sau nếu không đăng ký bảo hộ thương hiệu, tin tôi đi!
THIẾT KẾ & DECOR HOMESTAY ĐÀ LẠT
Sau khi đã khảo sát thị trường, chọn được hướng mô hình kinh doanh và đã thuê xong mặt bằng thì việc tiếp theo bạn cần làm đó làm trang trí, mua các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết cho homestay.
1. Trang trí
Có rất nhiều kiểu trang trí homestay theo những phong cách khác nhau và việc trang trí cũng phải phù hợp với khách hàng nào bạn muốn nhắm tới. Những khách hàng tuổi trung niên yêu cầu bạn không nên sử dụng những màu sắc quá sặc sỡ và bắt mắt.
Một số đồ trang trí nên có:
+ Gương trang trí
+ Kệ treo đồ trang trí
+ Tranh treo tường trang trí
+ Vải rèm cửa sổ…
+ Hoa thật trang trí trong nhà và ngoài trời..
+ Đèn led trang trí khu vực sảnh đón khách, sân BBQ.
Xem thêm : Cách trang trí homestay
2. Mua thiết bị dụng cụ
Đối với homestay các vật dụng cần phải mua tuy không nhiều như một khách sạn đặc biệt nhưng cũng cần phải có đủ 1 số thứ tôi liệt kê dưới đây:
+ Chăn ga gối nệm : là thứ bạn bắt buộc phải mua khi thuê nhà xong, thường thì những chủ nhà cho thuê nhà ở Đà Lạt họ sẽ không để lại chăn ga gối nệm cho bạn, mà nếu họ có để lại cho bạn thì chúng cũng khó có thể sử dụng để làm homestay được vì quá xấu hoặc quá cũ hoặc sến súa.
+ Máy giặt: Việc khách thuê homestay ra vào liên tục thì bạn không thể nào có thể tự giặt, nếu thuê người giặt tay thì chi phí phát sinh sẽ rất cao. Đem ra ngoài giặt ủi có nghĩa là bạn đang ném tiền qua cửa sổ. Bạn có tin là một phòng 1 ngày bạn thu được 300k nhưng với số chăn ga gối bạn đem ra ngoài giặt ủi cũng ít nhất là 100-150k cho bộ đồ đó. Có phải bạn đang tự làm lỗ mình?
Nên chọn loại trên 8kg trở nên
+ Máy sấy quần áo : Đối với những Homestay nguyên căn nhưng không có sân thượng hoặc khu vự để phơi đồ thì việc cấp thiết là bạn phải trang bị một chiếc máy sấy.
Nên chọn máy sấy của những hãng uy tín và có số KG trên 8 nhé.
+ Nước uống đóng chai, khăn giấy, kem đánh loại chuyên dùng, bảo vệ môi trường mua theo lốc…..bạn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí ở khoản này nếu tìm được đúng nơi bán sỉ nhé!. Còn không biết thì liên hệ Tuấn Đà Lạt.
+ Bộ đồ bếp : Bếp ga hoặc bếp từ, bát đĩa, xoong nồi, chảo….những rất quan trọng trong trường hợp bạn cho thuê homestay dạng nguyên căn cho nhóm bạn hoặc gia đình.
QUẢNG CÁO VÀ VẬN HÀNH HOMESTAY
Quảng cáo:
Quảng cáo là việc không thể thiếu trên mặt trận kinh doanh ngày nay, đặc biệt quảng cáo online là cách tiếp cận khách hàng nhanh và chính xác nhất. Những hình thức quảng cáo có thể áp dụng cho homestay của bạn:
+ Quảng cáo Facebook: Độ viral của Fb vẫn còn rất cao, nếu bạn làm tốt thì lượng khách của bạn sẽ gia tăng một cách đáng kể
+ Quảng cáo homestay trên google: Việc quảng cáo google có thể cao hơn nhưng hiệu quả nó đem lại cũng không phải là tệ. Một điều nữa là tệp khách hàng nhắm tới của google ngày càng chuẩn và chính xác hơn Facebook
+ Tiktok : Quảng cáo homestay trên tiktok giúp khách hàng có cái nhìn thực tế nhất về home của bạn qua những video ngắn bạn đăng tải.
Vận hành:
Sau khi đã làm tất cả những bước trên thì việc vận hành bắt buộc phải có 2 bộ phận sau:
- Bộ phận chăm sóc khách hàng online và offline:
Người chăm sóc khách hàng có thể là bạn hoặc một người bạn thuê về để làm. Nên lưu ý chọn người mà bạn tín nhiệm để giao cho họ khâu này nhé, khâu này rất quan trọng. Hãy chú ý nếu bạn không muốn bị mất khách hàng một cách vô lý.
- Bộ phận dọn dẹp, vệ sinh homestay:
Bạn không thể là người trực tiếp nhận khách, tư vấn khách và cũng là người dọn dẹp được. Như vậy sẽ rất tốn thời gian và hiệu quả công việc cũng sẽ không cao.
Chà, Viết cũng khá dài rồi, Tôi dừng tại đây nhé, chúc các bạn có những sự chuẩn bị thật tốt và kinh doanh gặp nhiều thành công. Nhớ like bài viết giúp Tuấn nếu thấy có ích cho bạn.
Liên hệ hoặc để lại bình luận nhé!
Nguồn : Onelike Studio
Tham khảo dịch vụ cho thuê homestay nguyên căn ở Đà Lạt tại: https://mienhomestay.com/
Yêu cầu dẫn nguồn mọi nội dung từ OnelikeStudio.com