Thế nào là năng lực yêu đúng? tình yêu đúng nghĩa là gì?

Thế nào là năng lực yêu đúng? tình yêu đúng nghĩa là gì?

Có một học viên hỏi tôi thế này: “Thế nào là năng lực yêu một người và yêu đúng?”
Chúng ta thường hay nói “biết yêu mình mới biết yêu người”, vậy thế nào gọi là yêu? Làm sao để yêu? Ai cũng cần tình yêu, nhưng ai cũng thiếu tình yêu. Tình yêu đến một cách tự nhiên, hay chúng ta cần phải trang bị một năng lực để yêu?

Muốn hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần phân tích dựa trên quá trình trưởng thành của một con người.
Tình yêu đối với trẻ con thể hiện như thế nào? Con nít có biết yêu không?

Khi một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, chúng cần được mẹ nuôi dưỡng, đút ăn, ủ ấm, cần được nuôi nấng và bảo vệ. Giai đoạn này trong cuộc đời của đứa trẻ, người mẹ đóng vai trò là một người nuôi dưỡng, tục ngữ có câu “cho bú chính là mẹ”, tức là theo lẽ thường người nuôi dưỡng đứa bé trong giai đoạn này được xem là mẹ.

Bởi thế, đứa trẻ tự cho mình là trung tâm, mẹ phải làm tất cả để làm hài lòng chúng, mẹ cũng vì thương con mà nghĩ rằng bản thân không gì không thể.

Đó là lý do đứa trẻ ở tuổi này chưa có khả năng phát triển tình yêu đối với mẹ chúng. Thêm vào đó, trẻ con chưa đủ nhận thức về bản thân cũng như khả năng nghĩ cho người khác, tất cả những gì chúng thể hiện chỉ là theo bản năng nhằm thỏa mãn những nhu cầu thông thường.

Vì vậy, biểu hiện của con trẻ như không thể xa mẹ, luôn muốn có mẹ ở bên không gọi là “yêu” mà gọi là “cần”. Ngược lại, người mẹ không thể rời bỏ con mình, đấy không phải “cần” mà là “yêu”. Đứa con vì cần mẹ mới không muốn xa lìa, còn mẹ vì yêu con nên luôn cần con.

Người mẹ đã không quản ngại khó khăn sinh con ra, khi đã có con trong lòng người làm mẹ luôn đong đầy yêu thương.

Ngày càng lớn, đứa con dần ý thức được mình là mình, cha mẹ là cha mẹ, mỗi người là mỗi cá thể khác nhau, từ đó đứa con mới có thể phân biệt được đâu là cái mình nhận được và đâu là sự cho đi của cha mẹ.

Khi đứa con cảm thấy bản thân được bảo vệ, thoải mái, được thỏa mãn tất cả, chúng có thể đón nhận cách mà cha mẹ quan tâm chăm sóc, hiểu đó là vì cha mẹ muốn tốt cho chúng.

Đứa con cũng bắt đầu học cách quan tâm những thứ khác ví dụ như chú cún, chú mèo trong nhà chẳng hạn, điều này chứng tỏ chúng bắt đầu để ý đến những người xung quanh.

thế nào là yêu đúng

Đứa con sẽ biết làm thiệp sinh nhật tặng mẹ, vì từ nhỏ mỗi lúc được mẹ tặng quà chúng sẽ rất vui, cho nên đứa con nhận ra bài học “à thì là tặng quà sẽ giúp người khác vui vẻ” và chúng cũng muốn làm mẹ vui.

Lúc này, đứa con đơn thuần mang theo mong muốn “cho đi” bé nhỏ, mà người mẹ cũng cảm nhận được tình yêu thương từ đó.
Từ sự đòi hỏi ban đầu cho đến việc thỉnh thoảng cho đi, tình yêu nhờ vậy mà nảy sinh, tình mẫu tử bắt đầu nảy nở. Tuy nhiên, cái yêu lúc này vẫn chưa chín muồi.

Có lần đứa cháu 6 tuổi, con gái của chị tôi đến nhà ăn cơm, tôi nói đùa: “Hôm nay mẹ con phải mua cơm mời cả nhà ăn đó nhé”. Thế là con bé không vui, tôi bèn hỏi: “Tại sao tiền người khác thì tiêu được, tiền của mẹ con thì không?”.

Con bé dõng dạc: “Người khác đâu có tốt với con như mẹ”. Ý con bé rất rõ ràng, mẹ nó yêu nó, cho nên nó cũng yêu mẹ, người khác không thương nó, nên nó cũng sẽ không thương họ.

Nhà tâm lý học Erich Fromm từng viết trong cuốn sách Nghệ Thuật Yêu, “Có hai kiểu yêu, yêu chưa chín chắn và yêu chín chắn. Yêu khi chưa chín chắn nghĩa là ta chỉ yêu khi ta được yêu, ta yêu người vì ta cần người. Mặt khác, yêu chín chắn tức là vì ta yêu nên ta được yêu, vì ta yêu người nên ta cần người.”

Tình thương của người mẹ đối với con mình thông thường sẽ là cho đi tất cả lẫn tình thương rồi mới nhận được tình yêu của đứa con, đó là “mẹ yêu con nên mới cần con”. Còn đối với đứa con thì chính là “bởi vì mẹ yêu con nên con mới yêu mẹ, con yêu mẹ là vì con cần mẹ”.

Xem thêm:   80+câu nói yêu thương "CÓ CÁNH" dành cho cặp đôi yêu nhau!

Tôi từng đọc đâu đó trên mạng một câu như sau, “Chỉ có con cái mới yêu cha mẹ vô điều kiện, còn cha mẹ yêu con lúc nào cũng kèm theo điều kiện”, đọc xong thầm nghĩ những lời này thật sự bất công, người phát ngôn câu này không hề để ý đến một tiền đề quan trọng, đó là con cái sinh ra đã sống dựa vào cha mẹ chúng một cách vô điều kiện.

Cho nên, đa phần tình cảm của con trẻ đối với cha mẹ bắt nguồn từ những tưởng tượng xa xôi hình tượng hóa cha mẹ thành những siêu nhân, siêu hùng.

Với cha mẹ, tình cảm của đứa con có thể là yêu thích, bái phục, không muốn xa rời, tuy nhiên cốt lõi của những cảm xúc này vẫn là “con cần” cha mẹ hơn là “con yêu” cha mẹ. Nói cách khác, cái “yêu” trong giai đoạn này chỉ được cho là yêu khi chưa chín chắn, sự chưa chín chắn này có liên hệ mật thiết đến việc thân xác lẫn tâm hồn của chính đứa trẻ chưa được trưởng thành.

Có thể nói, con trẻ luôn đòi hỏi mọi thứ ở cha mẹ, đó có thể là vật chất hay cần được quan tâm chăm sóc, cũng có thể là cần được thõa mãn một mặt nào đó trên phương diện tâm lý. Ví dụ, đa số con trẻ đều muốn được cha mẹ công nhận để chứng minh bản thân có giá trị.

Tình yêu cha mẹ dành cho con lúc này thêm vào cảm giác được công nhận. Nếu cha mẹ càng quan tâm, chăm sóc và khen ngợi, con trẻ sẽ càng cảm thấy được công nhận nhiều hơn, từ đó càng cho rằng bản thân đáng giá.

Con trẻ dựa vào sự thỏa mãn đạt được từ yếu tố bên ngoài để nhận biết giá trị của chính mình. Vì thế, sự mong cầu, đòi hỏi ở đứa trẻ có một ý nghĩa nhất định.

Khi đứa trẻ còn chưa đủ nhận thức về bản thân, chúng cần những tác động bên ngoài để trợ lực chúng xây dựng nhận thức, chúng cần tìm được cảm giác an toàn và có giá trị từ việc được yêu thương.

Đứa trẻ hiểu về bản thân rõ ràng bao nhiêu thì sẽ càng cảm nhận được giá trị của chính mình rõ bấy nhiêu, từ đó mới đủ năng lực chăm sóc cho những người bên cạnh.

Như vậy, một mối quan hệ bắt đầu từ “mong cầu” dần tiến đến “cho đi”, năng lực yêu cũng theo đó phát triển. Giống như lời Erich Fromm nói, “Cho đi là yếu tố cốt lõi của yêu thương”.
Cho đi là một loại năng lực, mà đã là năng lực thì sẽ không có chuyện phân biệt tốt xấu, vì vậy yêu cũng không mang định nghĩa tốt hay xấu. Chúng ta yêu một người là cho đi hết thảy, cho đi vô điều kiện.

Quá trình chuyển đổi từ sự mong cầu đến học cách cho đi sẽ giúp nội tâm một con người từ chưa hoàn thiện trở nên trưởng thành chín chắn, thay đổi thói quen lệ thuộc thành biết cách tự lập. Chính vì thế, tôi cho rằng để phát triển từ “yêu chưa chín chắn” đến “yêu chín chắn” cần cả một quá trình từng bước thay đổi.

Khi còn nhỏ, tình yêu của trẻ con đối với cha mẹ thường bị giới hạn bởi tình yêu của cha mẹ dành cho con luôn nhiều hơn, sau đó đứa trẻ lớn dần và mở rộng phạm vi yêu thương với những đối tượng khác như là thầy cô, bạn bè và cả những người xa lạ.

thế nào là yêu đúng

Khởi nguồn của sự cho đi đối với người khác đa phần cũng bắt đầu từ “vì tôi được yêu nên tôi yêu bạn, tôi yêu vì tôi cần bạn”.

Khi động cơ chúng ta cho đi không còn vì bản thân nữa mà là vì người khác thì cũng là lúc năng lực cho đi của chúng ta dần mạnh mẽ hơn. Đây là dấu hiệu năng lực yêu của chúng ta dần trở nên chín chắn, giúp mọi người xung quanh cũng cảm nhận được yêu thương này.

Qua đó ngày một lớn khôn, tình yêu đối với cha mẹ không còn đong đếm bằng sự quan tâm chăm sóc của họ dành cho ta, sự hỗ trợ về kinh tế hay việc chấp thuận người ta yêu nữa, mà dần đúng với định nghĩa “con yêu cha mẹ nên con cần có cha mẹ”.

Xem thêm:   Tâm lý tình yêu tuổi học trò là gì? Tuổi trẻ quá GHÊ GỚM?

Hơn nữa, ở giai đoạn này, đối với mọi người, chúng ta cho đi là vì chúng ta muốn giúp đỡ và san xẻ chứ không phải bởi vì họ đã thỏa mãn cảm xúc mong cầu hay đã làm được gì cho ta.

Từ những lập luận trên, tôi cho rằng tình yêu sẽ thay đổi, biến chuyển liên tục, thậm chí ở mỗi độ tuổi chúng ta sẽ có những cách thể hiện tình yêu khác nhau, nó tỷ lệ thuận với mức độ trưởng thành của tâm sinh lý ở độ tuổi đó.

Lấy ví dụ, chúng ta không thể kỳ vọng một đứa con nít có khả năng thấu hiểu và cho đi được. Tương tự, nếu một người trưởng thành không biết cách điều chỉnh ham muốn đòi hỏi của bản thân ở độ tuổi tương xứng thì chắc chắn người này không hề có năng lực yêu.

Xã hội hiện nay có không ít người gọi là ăn bám, những người này bởi vì không học được cách tự lập, đến bốn mươi tuổi vẫn nghĩ rằng cha mẹ nuôi họ là lẽ đương nhiên, chỉ biết đòi hỏi, không biết cho đi. Trường hợp này rất phổ biến, đa phần nhân cách của họ có phần hạn chế, hiểu biết thực tế hạn hẹp và cũng thiếu sót năng lực yêu.

Từ ví dụ trên cho thấy, việc chúng ta yêu chưa chín chắn không dựa vào tuổi tác mà căn cứ vào năng lực yêu. Mặc dù năng lực yêu và tuổi tác có liên quan đến nhau, nhưng trên đời vẫn còn nhiều người dù trưởng thành nhưng năng lực yêu vẫn chưa đủ chín chắn. Mọi người hay đùa rằng, “không phải bạn chưa đủ lớn, ngay cả khi bạn trưởng thành thì bạn vẫn vậy mà thôi”, ý muốn nói “to xác mà chưa chín chắn”.

Có thể thấy được, không ai sinh ra đã biết yêu, phải không ngừng thay đổi và hoàn thiện mới học được cách yêu.
Năng lực cho đi chính là sự hoàn thiện của một người về mặt nhân cách. Việc hoàn thiện nhân cách và trải nghiệm được – mất trong quãng đường trưởng thành của một người có liên quan mật thiết với nhau.

Nếu một người trong quá trình trưởng thành rất ít khi có được cảm giác thõa mãn, nội tâm sẽ như thửa ruộng cằn cỗi, đầy sự thiếu thốn. Thế nên ở những đoạn trước tôi mới cho rằng cảm xúc mong cầu ở trẻ con khi còn nhỏ có một ý nghĩa nhất định, được đáp ứng những mong cầu hay đòi hỏi là điều kiện để phát triển những mầm mống tốt đẹp trong nội tâm, sự quan tâm vô bờ bến của cha mẹ khiến cho nội tâm của đứa trẻ sinh ra cảm xúc thõa mãn.

Khi nội tâm một người càng thiếu thốn, họ sẽ càng khó mà cho đi. Một người nội tâm đủ đầy, thì sẽ dễ dàng trao tặng người khác. Cho nên, Erich Fromm cũng gọi yêu chưa chín chắn là “tình yêu khiếm khuyết”, yêu chín chắn là “tình yêu đủ đầy”.
Người có nội tâm không trọn vẹn, tự bản thân mình còn lo chưa xong, lấy đâu năng lượng đi cho những người khác? Có thể nội tâm của họ còn rất rụt rè, sợ hãi, cần được bảo vệ, cũng có thể tràn đầy bất mãn, tức giận, căm phẫn, bi thương, họ không có cách nào khiến cho người khác trở nên vui vẻ, tốt đẹp được.

Có câu, “Ta không thể cho người khác thứ mà ngay cả ta cũng không có”

Chúng ta hiểu được những điều này không phải để tự trách bản thân hay cố tìm tòi cảm giác thõa mãn từ những điều kiện bên ngoài vì chúng ta đã không còn là trẻ con chỉ biết đòi hỏi vô độ nữa.

Ngược lại, chúng ta là người trưởng thành, được trang bị đầy đủ năng lực suy ngẫm và tự làm hải lòng bản thân mà một đứa trẻ không có. Vậy nên, hãy đi ngược vào bên trong, nỗ lực hoàn thiện chính mình mới là con đường nhanh nhất nâng cấp năng lực yêu của chúng ta.

Những giải thích phía trên giúp chúng ta hiểu được, tình yêu không như những gì mọi người thường nghĩ, ai muốn yêu cũng có thể yêu, ngược lại, một người thiếu thốn yêu thương sẽ luôn lâm vào trạng thái cần được người khác đến thương yêu.

Xem thêm:   Thế nào là tình yêu đích thực, thế nào là gặp đúng người?

thế nào là yêu đúng

Hiện tượng này thể hiện rõ nhất đối với những ai đang yêu đương hoặc đã nên vợ nên chồng. Các tác phẩm văn học thường thần tượng hóa tình yêu khiến cho rất nhiều người có nhận thức sai lệch về nó. Sẽ rất không đúng nếu cho rằng một người biết yêu bản thân thì luôn biết cách thỏa mãn chính mình, thế nên mới có điều kiện “yêu tôi thì bạn phải…” thế này thế kia.

Trên thực tế, khi một người đàn ông thích một người phụ nữ, chưa chắc anh ta đã có năng lực cho đi, có thể anh ta chỉ đang tìm kiếm một người có thể sẵn sàng vì anh ta cho đi mọi thứ, tình yêu của anh ta lúc này chẳng qua chỉ là “anh cần em nên anh mới yêu em”.

Tương tự, nếu một cô gái mang tình yêu làm cái cớ để yêu cầu đối phương phải làm hài lòng mình thì cô gái này cũng chưa ý thức hoặc thừa nhận được việc bản thân chẳng qua chỉ là nhân danh tình yêu để khống chế người mình yêu phải cung phụng thỏa mãn mình.

Một số cô nàng được đàn ông theo đuổi rồi gật đầu đồng ý cũng chưa chắc vì niềm hạnh phúc và vui thích khi yêu đương, mà là vì nàng được yêu, được nâng niu nên nàng mới chịu yêu. Rốt cuộc, những cô nàng này sau cùng cũng chưa học được cách yêu. Khi chúng ta càng khát khao được yêu thì sẽ càng cảm thấy thiếu yêu và rồi cũng không hiểu được thế nào là yêu và cho đi.

Chúng ta càng hao tâm tổn sức tìm kiếm ở bên ngoài bao nhiêu thì bên trong chúng ta lại càng cảm thấy thiếu hụt bấy nhiêu. Thiếu cũng không đáng sợ, đáng sợ chính là không biết mình thiếu, cứ liên tục đòi hỏi người khác rồi xem đó là lẽ đương nhiên.

Nhiều người đến tuổi tứ tuần vẫn ngang nhiên sống như năm ba mươi mà không ý thức được tâm thái của ta ở tuổi bốn mươi sao còn đủ khả năng chèo chống sự nghiệp và tình yêu như khi ta ba mươi được.
Hiểu được điều này rất quan trọng.

Nguyên nhân mà sở dĩ có không ít người khát khao tìm kiếm tình yêu là bởi vì họ quên mất rằng năng lực yêu của mỗi người là khác nhau, tính theo thang điểm từ 0 đến 100, có người 60 điểm, có người 70 điểm. Người đạt đến 100 điểm phải chăng chỉ có Đức Phật hay Thượng Đế? Chúng ta không biết được. Tuy nhiên, thường thì chúng ta đều cảm thấy nếu đối phương thật sự yêu mình, họ nhất định có thể đạt đến 100 điểm.

Nhiều người hay khoa trương, lý tưởng hóa tình yêu như kiểu “Chỉ cần có yêu, không gì không thể”. Cách nghĩ này rất không phải, nó làm chúng ta lầm tưởng rằng ta sẽ luôn tìm được một người yêu hoàn mỹ có thể làm hài lòng ta về mọi mặt chứ không phải đối tượng đang bên cạnh ta hiện tại, người ta cho rằng chưa đủ yêu ta. Cứ theo đà ta sẽ lơ là việc phát triển năng lực yêu của bản thân mà chỉ biết đặt kỳ vọng vào một tình yêu hoàn mỹ xa vời.

thế nào là yêu đúng

Mặt trái của cách nghĩ trên thường cho thấy một người không biết chấp nhận vào tin vào bản thân. Càng không chấp nhận và tin tưởng chính mình thì càng dễ đòi hỏi đối tượng mình yêu phải lý tưởng, phải hoàn mỹ.

Những người có cách nghĩ này mong muốn tìm được tấm khiên vững chãi cho cuộc đời họ, rồi từ đó yêu cầu đối phương phải thề non hẹn biển để khiến họ an lòng.

Khi chúng ta không còn mù quáng theo đuổi “tình yêu lý tưởng” có lẽ lúc chúng ta dần nhìn thấy được “tình yêu thực tế”, nhờ đó chúng ta mới biết đủ khi đón nhận sự cho tặng từ người khác, cũng sẽ dễ dàng mang nội tâm phong phú của mình hào phóng cho đi.

Ai cũng có thể yêu nếu biết cách yêu, đừng đi vẽ vời phóng đại năng lực yêu của người khác, chỉ cần đủ khả năng chịu trách nhiệm cho năng lực yêu của chính mình thì tình yêu tự khắc sẽ đến.

Đánh giá:
[Tổng: 1 đánh giá: 5 sao]

Yêu cầu dẫn nguồn mọi nội dung từ OnelikeStudio.com

Onelike Studio

Cảm ơn bạn đã bỏ chút thời gian để đọc những chia sẻ trong bài viết này! Đừng ngần ngại đánh giá 5 sao khi thấy bài viết này hữu ích!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!