Chụp ảnh nghệ thuật là gì ?

Ngày xưa, mỗi lần mấy đứa con gái lớp tôi nhờ chụp ảnh cho chúng nó và khi chụp xong chúng nó phán cho một câu ” Thằng này chụp ảnh chẳng có tý nghệ thuật gì” . Tôi cười cho qua vì chẳng sung sướng gì khi bị chúng nó hàng hạ lôi ra để chụp hình hộ cho chúng nó, mà ngày xưa cầm điện thoại lắp gập chụp cho chúng nó thấy rõ mặt là ngon lắm rồi, nghệ với chả nghẽo gì nữa. Bây giờ lớn lên và đã xa cái thời cắp sách ấy lâu lắm rồi bây giờ thì tôi đã trở thành một chủ tiệm chụp ảnh nghệ thuật ở Sài Gòn.
Tôi nhận thấy một điều rằng không phải là tôi sài máy gì, điện thoại gì mới có thể chụp ra những tấm ảnh nghệ thuật, điều đó không phải là vấn đề quyết định hết. Cũng như trong cuộc sống cũng vậy không phải người nhiều tiền là người có được hạnh phúc chẳng hạn, đại loại sến sẩm thế :). Thôi không vòng vo nữa, trong bài chia sẻ hôm nay của tôi, tôi sẽ nói sơ qua về những gì tôi hiểu biết về nghệ thuật, tuy không phải là toàn bộ nhưng cũng khá chi tiết cho những bạn đang tìm hiểu về bộ môn này :
CHỤP ẢNH NGHỆ THUẬT GỒM CÁC NHÓM CHÍNH :
-Chân dung nghệ thuật
-Nude nghệ thuật
-Beauty
-Chụp bé sơ sinh, bé lớn
-Hình cưới nghệ thuật
-Chụp ảnh tương phản low-key
NGHỆ THUẬT LÀ GÌ ?
Bất cứ điều gì cũng đều có bắt nguồn. Nghệ thuật cũng vậy, nguồn gốc của nó có từ thời hy lạp còn gọi là nghệ thuật phương tây (τέχνη). Cho đến thế kỉ 18, nó trở thành một công cụ tạo nên vẻ đẹp để mô phỏng đời sống, VD: bức tranh, điện ảnh, âm nhạc hay lời nói cũng là một nghệ thuật…v.v
Thực sự nghệ thuật không có một định nghĩa thống nhất nào cả, vì nó sẽ thay đổi theo nhiều yếu tố: thời gian, cách nhìn nhận, ý tưởng, phụ thuộc vào thẩm mỹ… Hay các bạn có thể hiểu đại khái Nghệ thuật là những hoạt động khác nhau và các sản phẩm do hoạt động đó tạo ra.
HÌNH ẢNH LÀ GÌ ?
Là thứ mà ta nhìn và cảm nhận bằng thị giác sau đó đưa ra cảm nhận. Nó được coi như một loại ngôn ngữ hình ảnh có thể thay thế cho ngôn ngữ nói. Thường nhiều người sẽ nghĩ hình ảnh là phải cầm nắm và sờ được, thực chất đó là “sản phẩm của hình ảnh”. Còn Hình ảnh là một khái niệm chung chỉ tất cả những gì ta có thể nhìn thấy, kể cả trong suy nghĩ.
CHỤP ẢNH NGHỆ THUẬT LÀ GÌ ?
Là hình ảnh phác họa thay cho những bức tranh vẽ. Một bức ảnh nghệ thuật tạo thẩm mỹ thị giác từ kỹ thuật tạo hình, nghệ thuật “nói” bằng ánh sáng đủ có thể truyền đạt được một “nội hàm” đến cho người xem.
Nghệ thuật chụp ảnh ra đời từ rất sớm cùng với thời gian sau năm 1839 khi Daguerre, ông là một nhà vật lý học người Pháp chế tạo ra chiếc máy ảnh đầu tiên và công bố nó trước công chúng.
(Một bức ảnh nổi tiếng của Daguerre chụp ngày 4 tháng 5 năm 1838 tại Paris bằng chiếc máy ảnh của mình)
Những thời gian đó những bức ảnh trắng đen về cây cối, nhà cửa những vật không chuyển được xem như là những bức ảnh nghệ thuật, cải tiến hơn là những bức có người và chứa đựng những hàm ý, ý nghĩa gì đó. Còn vào thời hiện đại ngày nay, ngành không còn quá khắt khe như trước, Ảnh nghệ thuật là tất cả những hình ảnh thấy đẹp mắt, ảo diệu, chất..v.v
Để nói đúng về khái niệm chụp ảnh nghệ thuật thì không có bài nào có thể viết chính xác và đầy đủ hết được, vì thực chất trong đời thường ảnh nghệ thuật phụ thuộc vào cách nhìn nhận và quan điểm của mỗi người. Nhưng Chụp Ảnh Nghệ Thuật để định nghĩa đúng và được nhiều người công nhận thì đó là một quá trình khá vất vả.
Chụp ảnh chân dung nghệ thuật là gì?
Chỉ hiểu một cách đơn giản là “thông qua hình ảnh của con người để biểu đạt được ý của tác giả”.
Các yếu tố quyết định một bức ảnh nghệ thuật đẹp
Để có thể có được một bức ảnh chân dung nghệ thuật đúng nghĩa không phải dễ dàng gì. Nó phụ thuộc vào mắt thẩm mỹ, ý tưởng và rất rất nhiều yếu tố nhỏ cho đến lớn, tưởng chừng như không quan trọng. Để chụp được một bức ảnh đẹp,
Thổi cảm xúc vào bức ảnh:
Đầu tiên bạn phải xác định được “chủ đề” mà bạn sẽ chụp. Sau đó các bạn tiếp tục tìm đến trang điểm, trang phục và vị trí phù hợp với chủ đề mà bạn đang sắp thực hiện. Một điều quan trọng nữa là trang trí cho khu vực xung quanh nơi bạn sẽ chụp.
Để có được một bức ảnh có được nội dung, nội ý nhiếp cần phải thấu hiểu được người mẫu của mình, bạn phải có khả năng giao tiếp và có thể mở được cánh cửa tâm hồn của người mẫu hay người khách hàng của mình, điều này không yêu cầu kỹ năng mà đòi hỏi về năng khiếu và sự thấu hiểu. Khi khoảng cách giữa nhiếp ảnh và mẫu không có vách ngăn thì quá trình chụp ảnh sẽ trở nên thoải mái và dễ dàng hơn, những hình ảnh sẽ có thần, có hồn hơn rất nhiều
Kỹ năng chụp ảnh:
1. Ánh Sáng
Nguồn sáng: Vật thể không thể tự phát sáng, mọi thứ chúng ta nhìn trên ảnh đều là do vật thể nhận được ánh sáng từ một hoặc nhiều nguồn sáng lên nó. tất cả những thứ bạn muốn thấy trong nhiếp ảnh đều cần đến một nguồn sáng mang nặng lượng tới nó. nó hấp thụ và phản chiếu tại trong máy ánh.
Điều khiển ánh sáng: Cách bạn nhìn thấy ánh sáng và máy ảnh nhìn thấy ánh sáng hoàn toàn khác nhau. Khi là một người nhiếp ảnh có nghĩa bạn phải vẽ hoặc viết với ánh sáng.
Sử dụng ánh sáng tự nhiên là mặt trời được coi là mức ánh sáng tiêu chuẩn, nhưng sẽ không hẳn là giải pháp tốt trong một số trường hợp, khi bạn chụp ngoài trời, ánh sáng sẽ thay đổi không lúc nào cũng là một màu, lúc nó tối, lúc thì quá sáng, đôi lúc ánh sáng màu trắng bỗng trở nên vàng là điều hoàn toàn bình thường xảy ra khi bạn sử dụng ánh sáng tự nhiên. Những lúc như vậy bạn cần có một nguồn sáng nhân tạo có cường độ đủ sáng hơn ánh sáng mặt trời để cho ánh sáng tối đi.
Khi chụp chân dung nên sử dụng bằng ánh sáng chớp tức thời (đèn flash) để mang được nguồn ánh sáng trắng, và sự sáng tạo về ánh sáng sao cho phù hợp với chủ đề chụp: ánh sáng khối, ánh sáng sắc cạnh..v.v
Khi bạn muốn truyền tải nội dung bức hình cho người khác thì bạn cần để ánh sáng thẳng để thấy rõ các chi tiết thay vì để ánh sáng bên trái hoặc phải. Còn để tạo một bức ảnh có khối bạn cần đặt đèn sáng vào một bên để tạo ra hard light


Chụp ngược sáng: đó là cả một nghệ thuật, khi chụp ngược sáng mắt trời sẽ đứng sau lưng chủ thể và đứng trước ống kính máy ảnh tạo được một độ tương phản vô cùng cao
2. Góc chụp sáng tạo:
Là điều dễ đánh lừa mắt người xem qua hình ảnh, do vậy cách đặt máy ở vị trí nào sẽ đúng, thực ra về chân dung nghệ thuật hay các vật thể khác không phải là con người mà là cây cối, sông hồ chẳng hạn không có khái niệm góc máy đặt sai mà là có phù hợp với hay nội dung bức ảnh hay không mà thôi, dưới đây cũng có thể coi là cách để chụp chân dung đẹp hơn !.
Có 3 góc chụp máy nhất định:
– Góc máy ngang: Ống kính đứng vừa với tầm mắt chủ thể, vị trí đặt máy ở mức trung bình và tiêu cự cũng là mức trung bình, đây là góc chụp phổ biến nhất vì mang lại một hình ảnh thật nhất so với hình ảnh bên ngoài, những gì chúng ta quan sát bằng mắt thường sẽ không khác là mấy trong máy.
(Khi đặt máy ở ví trí ngang)
– Góc máy cao: Với góc chụp này đòi hỏi bạn phải có một nỗ lực nhất định trong vị trí đặt máy: đứng trên ghé, cây hay những thứ có thể giữ được bạn. Khi chụp ở góc này chúng ta sẽ có được một khung quan sát rộng hơn bình thường. Do vậy hình ảnh mà bạn thu được cũng sẽ thu được rộng hơn và góc nhìn trông sẽ lạ mắt và có độ sâu hơn. Phù hợp khi bạn chụp chủ đề phong cảnh, đám đông..v.v
(Khi đặt máy ở vị trí cao)
– Góc máy thấp: Tạo ấn tượng giống với góc chụp cao, hình thành phối cảnh, tạo cảm giác cao lớn hơn cho chủ thể…
Góc nên sử dụng khi chụp những con người có địa vị cao, có góc nhìn xa xăm hay những công trình lớn và vĩ đại.
(Khi đặt máy ở vị trí thấp)
Có một mẹo đơn giản như thế này thay vì cực khổ trong việc thay đổi góc chụp bạn có thể thay đổi cách tạo dáng của mẫu nha.
Bố cục hợp lý: Trong nhiếp ảnh, bố cục được hiểu là một nghệ thuật sắp xếp những thứ trong bức ảnh của mình. tùy vào nội dung và chủ đề của bức ảnh bạn sẽ tìm ra một bố cục hợp lý nhất:
– Bố cục ⅓: Đây là một quy tắc trong nhiếp ảnh từ những người đi trước. Khi các bạn chia bức hình của mình ra 9 phần bằng nhau, 3 phần dọc và 3 phần ngang. các bạn đặt chủ thể ở giữa góc 1 hoặc 2.
Các yếu tố quan trọng nằm trong một bức hình cụ thể nên được đặt vào những điểm giao cắt của các đường thẳng đó, như được thấy trong sơ đồ ở trên, hoặc nằm dọc theo chúng. Một ảnh được bố cục hoàn toàn phù hợp với quy tắc Một Phần Ba sẽ có nghĩa là đường chân trời được đặt vào các điểm mạnh giao nhau ở phần ba phía dưới hoặc phần ba phía trên (tất nhiên, chỉ khi đường chân trời là yếu tố chủ đạo trong bức ảnh).
Điều quan trọng là hãy luôn nhớ rằng quy tắc Một Phần Ba cũng có thể được linh hoạt chọn một trong 4 điểm mạnh để đặt chủ thể vào đó. Tuỳ tình huống cụ thể, tuỳ phối cảnh và ý của người chụp, chọn điểm giao phù hợp. Khi sử dụng quy tắc này khiến cho bức ảnh chó một tầm nhìn xa xăm hơn, các vật thể trong hình được hài hòa hơn.
– Bố cục đường dẫn: Đây là một cách bố cục ảnh có sức quyến rũ bởi tấm hình chỉ có một điểm nhấn, Cần chú ý rằng điểm nhấn đó phải là một đối tượng nổi bật, hoặc cùng với bối cảnh xung quanh làm nên được một chủ đề nào đó, truyền tải được cảm xúc nào đó cho người xem. Chủ thể không nên quá bé nhỏ đến nỗi càng xem càng mất hút.
Bố trí hướng chạy cho đường dẫn thường là chạy chéo từ góc dưới của khung hình về trung tâm hoặc điểm 1/3 (kết hợp với quy tắc 1/3), tùy theo ý tưởng của bạn. Nhưng một điều cần chắc chắn là đường dẫn phải dẫn vào trong bức ảnh chứ không được dẫn vượt ra ngoài ảnh hoặc dẫn đến một thứ thiếu rõ ràng.
– Bố cục Cân Bằng: Giống như bố cục ⅓ như đã nói ở trên, nhưng đôi khi bạn đặt chủ thể sai hoàn cảnh, thì bức ảnh sẽ trở nên trơ trọi hơn nếu khoảng trống đối diện chủ thể không có một đối tượng nào cả. Và để xử lý trường hợp này bạn cần đặt một đối tượng phụ thứ hai ít quan trọng hơn vào bên dọc ⅓ còn lại. chính hai đối tượng chính và phụ này khiến cho bức ảnh trở nên cân bằng và người xem sẽ thấy đỡ trống trải hơn.
– Bố cục tam giác: Tạo ra một sự liên kết các vật thể thành 1 hình tam giác, giúp tạo được cảm giác cân bằng và vững chắc cho chủ thể.
Tóm lại một điều, khi trong một bức ảnh có kết hợp được nhiều bố cục hợp lý trong đó, thì bạn sẽ có một bức ảnh rất tuyệt vời và thu hút người xem lâu hơn. Tạo được tính nghệ thuật cao.
(ảnh)
Kỹ thuật quan trọng của máy:
– Tốc độ màn trập: Tốc độ cửa trập quyết định khoảng thời gian mà cảm biến hình ảnh của máy ảnh tiếp xúc với ánh sáng. Giá trị này được đo bằng giây hoặc phần giây và có thể dao động trong khoảng từ 1/8000 đến 30 giây. Khi bạn để tốc độ cửa trập nhanh, khoảng thời gian mà cảm biến hình ảnh tiếp xúc với ánh sáng sẽ ngắn và ngược lại. Do đó, các tốc độ cửa trập khác nhau sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của chuyển động trong những bức ảnh của bạn. Tốc độ cửa trập khoảng từ 1/320 giây hoặc 1/500 giây cho phép bạn chụp được các cảnh với những đối tượng đang chuyển động.
Bạn có thể thiết lập và điều khiển tốc độ cửa trập bằng hai cách. Nếu bạn muốn điều khiển tốc độ cửa trập trong khi để máy ảnh tự động điều chỉnh khẩu độ, bạn chỉ cần chuyển đổi đĩa lệnh sang chế độ phơi sáng “Ưu tiên cửa trập” hay chế độ phơi sáng “S”. Để có thể điều khiển toàn bộ các thông số, hãy đặt máy ảnh ở chế độ phơi sáng “Bằng tay” hay chế độ phơi sáng “M”.
– Kỹ thuật lấy nét: Bạn không thể xem hình ảnh mà nó mờ tịt như sương mù được. Lấy nét là yếu tố quan trọng xếp thứ 3 sau ánh sáng và bố cục. Lấy nét là động tác mà bạn khóa khoảng từ cảm biến hoặc là ống kính của bạn tới chủ thể để chủ thể rõ nét hơn và làm chủ đề chính của bức hình.
Kiểm soát vùng ảnh nét bằng cách hiểu và tuỳ chọn khẩu độ ống kính phù hợp. Khẩu độ được ký hiệu bằng chữ F. Chỉ số F càng lớn (ví dụ F/22) thì khẩu độ (độ mở ống kính) càng nhỏ, và ngược lại chỉ số F càng nhỏ (ví dụ F/2.8) thì khẩu độ (độ mở ống kính) càng lớn.
Khẩu độ càng lớn: độ sâu trường ảnh (DOF) càng mỏng, nông. Nghĩa là phía trước và phía sau của đối tượng nét mờ nhoè, tạo hiệu ứng Bokeh , làm cho đối tượng nét được nổi bật hơn trong vùng lấy nét.
Khẩu độ càng nhỏ: độ sâu trường ảnh (DOF) càng dày, sâu. Nghĩa là các vật thể trước và sau đối tượng mà bạn lấy nét cũng được nét (ít hoặc nhiều tuỳ khẩu độ), vì vậy khép khẩu nhỏ để nét sâu, dày phù hợp với chụp phong cảnh, toàn cảnh được rõ nét.
– Điều chỉnh ISO phù hợp: ISO là độ nhạy sáng của cảm biến ảnh, thể hiện bằng các con số như 100, 200, 800…. Dải ISO tiêu chuẩn là từ 100-6400. Đối với nhiều dòng máy cao cấp, dải ISO có thể lớn hơn rất nhiều. ISO 100 thường là lựa chọn mặc định để cho ra những tấm ảnh sắc nét và ít nhiễu hạt nhất. Hầu hết mọi người đều có xu hướng để ISO tự động, máy ảnh sẽ chọn ISO thích hợp với từng trường hợp chụp. Nhưng các máy ảnh đều cho phép người dùng lựa chọn ISO theo ý riêng của mình.
Xem thêm : Ống kính nào chụp ảnh chân dung đẹp
Một bức ảnh : chất” có được gọi là “nghệ thuật” không?
Thường khi nhắc đến nhức bức ảnh nghệ thuật, người xem thường thốt lên “Ồ, hình này đẹp quá, chất quá”. Và ngược lại khi nhắc đến những bức ảnh chất.
Nhưng thực tế khái niệm về hai kiểu hình ảnh này lại vừa có điểm chung, vừa có điểm riêng. Nên để câu trả lời đúng hay sai là tùy thuộc vào kiểu xem ảnh của mỗi người mà thôi. Ảnh nghệ thuật như mình đã nói ở trên, mỗi tấm hình chúng mang một vẻ đẹp có nội dung, có ý nghĩa riêng.
Ảnh chất: Là xu hướng của giới trẻ, để tạo ra một tấm hình chất lừ phụ thuộc vào 3 yếu tố quan trọng:
– Thần thái: gương mặt luôn luôn là điểm chính để quyết định gần như là tất cả, là thứ thể hiện biểu cảm cảm xúc của mình cũng như bức ảnh. Không phải là khuôn mặt đẹp hay xấu mà phụ thuộc vào cách biến hóa, tạo được thần thái trên gương mặt mới là thứ quyết định. Bạn hãy tự biến mình là một diễn viên cá tính và năng động và cho người xem thấy được điều đó.
– Trang phục: Một bức ảnh mang chủ đề “chất” nó cần một nguồn năng lượng gọi là mạnh mẽ, cá tính, diễn sâu, hần bề ngoài luôn là thứ mà người ta thường đánh giá tính cách của một người nào đó, chất nó không có nghĩa là phải bụi bặm. Mà là một cái gì đó năng động bạn mang tới trong trang phục của mình. Việc lựa chọn trang phục chụp ảnh là một yếu tố khá quan trọng giúp cho nội dung bức ảnh trở lên nhất quán hơn.

– Điểm chụp: Đôi khi những thứ xung quanh ta lại là những điểm chụp lý tưởng cho một bộ ảnh siêu chất, vd: cầu thang, bức tường, ngôi nhà cũ, đường phố, một bãi đất trống…v.v hay bất cứ Background nào càng sẫm màu càng chất. Tất nhiên việc lựa chọn một địa điểm để thực hiện một album ảnh nghệ thuật không nhất thiết phải là chụp ảnh ngoại cảnh hay chụp ảnh trong studio.
– Blend màu: Một bức ảnh gốc khó có thể làm chiều lòng người xem nếu không qua hậu kỳ chỉnh sửa, việc lên màu cho hình ảnh là công đoạn quan trọng, vì mỗi màu nó giúp thể hiện rõ hơn nội dung bức ảnh…
Các tông màu bạn có thể sử dụng như: Teal Orange, retro, vintage, màu nâu nhạt..v.v
Trên đây chắc cũng đủ để các bạn hiểu được chụp ảnh nghệ thuật là gì rồi phải không ? Thực ra mà nói thì không có định nghĩa chính xác, khuôn khổ nào dành cho nghệ thuật tuy vậy để có được một album ảnh chân dung nghệ thuật đẹp lại cần 1 hoặc nhiều yếu đó như tôi đã nêu ở trên.
À, tôi có đọc được một trong những tranh luận sự khác nhau giữa ảnh nghệ thuật và ảnh lưu niệm trên tinhte.vn khá hay, các bạn có thể xem qua nhé :
Để có thể hiểu được điều này thì đầu tiên ta cần phải thống nhất được với nhau thế nào là nghệ thuật trong nhiếp ảnh? Nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần để ghi lại một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống bởi vì như thế ngay sau giây phút bạn bấm máy thì tấm ảnh ấy đã thuộc về quá khứ, hay nói một cách khác: hình ảnh đã chết. Hơn nữa với các kỹ thuật tiên tiến hiện tại thì việc ghi lại một hình ảnh không còn là đặc quyền của các nhiếp ảnh gia nữa mà với bất kỳ một thiết bị điện tử nào bạn cũng có thể ghi chép lại cuộc sống một cách đơn giản và nhanh chóng. Ở đây NTL dùng từ “ghi chép” để phân biệt với “nghệ thuật” trong nhiếp ảnh. Những bố cục hoàn chỉnh, hình ảnh sắc nét, mầu sắc bão hoà…đó là những tấm ảnh đẹp – những post card mà bạn có thể mua ở bất kỳ đâu trên đường du lịch. Nhưng đó lại không phải là ảnh nghệ thuật
Giống như hội hoạ, nghệ thuật trong nhiếp ảnh có thể được hiểu như một cách nhìn nhận về thế giới xung quanh một cách sáng tạo và độc đáo, là cách tuyên bố về một hướng sáng tạo mới của cá nhân hay của một tập thể, một cách hướng con người ta tới cái đẹp hoàn mỹ của tâm hồn, một cách phản ánh lại cuộc sống sinh động nhất. Đó là những suy nghĩ của riêng cá nhân tôi. Nghệ thuật trong nhiếp ảnh là nghệ thuật của những xúc cảm trong khoảnh khắc. Ta không thể nào tìm cách giữ lại một sự việc đang chuyển động mãnh liệt, điều ấy là vô ích, nhưng nhiếp ảnh có thể giúp ta giữ lại những cảm xúc tràn đầy sự sống. Những khoảnh khắc bất tử……..nói như thế chứng tỏ có ảnh nghệ thuật..he..he… https://tinhte.vn/threads/phan-biet-nhu-the-nao-la-hinh-nghe-thuat-va-hinh-luu-niem.227615/
Nhớ để lại nguồn nếu sử dụng bài viết của tôi nhé : Onelike Studio – Chụp ảnh nghệ thuật.
+ Chưa có bình luận
Add yours